Vừa qua dư luận xôn xao về việc các đại gia Hà Tĩnh mua hai chậu lan trị giá 3,5 tỷ đồng. Đây là phi vụ được coi là đình đám nhất từ trước tới nay trong giới chơi lan.
Trao đổi với Infonet, ông Th., một doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng tại Hà Tĩnh (biệt danh là Th. Đà Nẵng) thông tin, ngày 12/5 ông Th. cùng một nhóm người yêu hoa lan, ra Hải Phòng mua hai chậu lan quý hiếm với giá 3,5 tỷ đồng.
Theo ông Th.: “Xuất phát từ niềm đam mê, người thì đam mê đồ cổ, người đam mê cá cảnh, người mê chim, người thì thích xe cộ. Có người mua cái bát vỡ hàng triệu đô, người mua bức tranh hàng chục triệu đô, còn anh em tôi mê lan”.
“Đây là loài phi điệp đột biến gen. Trong cả một cánh rừng rộng lớn, may ra chỉ được một cành có hoa khác biệt. Loại hoa này phải nhân giống bằng cách chiết cành, hoặc ươm mầm trực tiếp từ thân của nó. Nếu dùng hoa hoặc dùng hạt thì nó lại ra thứ khác, về cái nguyên bản của nó chứ không đột biến. Cả nước chỉ có vài nhành như thế thôi”, ông Th. cho biết.
“Thực ra, không phải dễ gì bỏ mua cây lan tiền tỷ về mà chơi vì ai cũng khó khăn cả. Hơn nữa, trong suy nghĩ của chúng tôi, đây không phải là cây hoa để chơi mà là một cây giống. Cả anh em Thái Bình, Hà Tĩnh góp tiền lại mua rồi sau này chia nhau mỗi người một khúc khoảng độ 5-7cm để nhân giống. Xét về mặt khoa học thì anh em chúng tôi cũng là những người có công để bảo tồn những gen quý hiếm. Cũng có công đóng góp đấy”, ông Th. nói thêm.
Cũng theo ông Th., nhóm chơi lan Hà Tĩnh có gần chục người, Thái Bình có 4 đại diện. Hà Tĩnh đóng góp khoảng gần một nửa số tiền, còn phần nhiều là của Thái Bình. Hiện tại, Thái Bình có kinh nghiệm hơn, thời tiết thuận lợi hơn, cho nên để cây ngoài đó chăm sóc.
PV đặt vấn đề là, nguyên nhân nào khiến nhóm chơi lan Hà Tĩnh bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy để cùng Thái Bình mua hai chậu lan, ông Th. cho biết: “Mười mấy anh em chung nhau mua vài giò lan như vậy thì có gì là lớn. Đã nuôi dưỡng đam mê thì phải chấp nhận đầu tư thôi. Các hội chơi lan ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng rất mạnh, người ta giao dịch những vụ 6-7 tỷ đồng”.
“Riêng Hà Tĩnh dường như không có tên trong bản đồ hoa lan Việt Nam, nên hội hoa lan Hà Tĩnh mới kết hợp với hội chơi lan Thái Bình (chứ chắc Hà Tĩnh cũng không đủ tiền) làm một cuộc giao dịch để có một hình ảnh, nâng tầm hội hoa lan Hà Tĩnh lên cho bằng anh, bằng em của cả nước”, ông Th. chia sẻ.
Chia sẻ về kinh nghiệm chơi lan, ông Th. cho biết: “Tôi không phải là dân chơi lan chuyên nghiệp mà chỉ là nghiệp dư. Tôi chơi lan khá lâu rồi, loài lan rất kén chọn thời tiết. Đến mùa Đông giá rét, người ta lại chuyển lan vào miền Nam để nuôi. Ra tết nắng ấm, người ta mới đưa cây về Bắc. Một cây nửa năm sinh trưởng ở Bắc, nửa năm đưa vào trong Nam để trốn rét. Chơi lan cũng vất vả và gian truân lắm”.
Lý giải về việc dư luận cho rằng, thương vụ này không có thật, việc mua bán chỉ để “làm màu”, ông Th. tâm sự:
Những người tham gia phiên mua bán
“Dư luận họ có quyền đặt nghi vấn, nhưng đây là một việc có thật, chúng tôi làm màu để làm gì. Người không hiểu thì cho rằng bọn này điên, hay bọn này có tiền rồi chơi ngông. Người ta nhận định thế này, thế kia, đặc biệt có những bình luận chua chát khiến anh em chúng tôi rất buồn”.
Một số nguồn tin cũng cho rằng sau khi thực hiện thương vụ đình đám này, nhóm chơi lan Hà Tĩnh đã chuyển nhượng cho nhóm Thái Bình để thu hồi vốn. Nói về vấn đề này, ông Th. giãi bày: “Nói thật, sau khi mua hai cây lan này thì có một số anh em rút cổ phần nên phải cho người khác chung vào. Mục đích giao lưu là chính, chứ không phải buôn bán kinh doanh gì cả. Cũng có thể vài người họ thương mại hóa một tí để lấy chi phí đi lại”.
Nguồn: 24h.com.vn, infonet.vn
Đăng nhận xét